Giai đoạn 1927-1939 Iosif_Vissarionovich_Stalin

Tập thể hóa nông nghiệp

Dưới thời Chính sách kinh tế mới, Lenin cho phép tiếp tục tồn tại tiểu tư hữu nông nghiệp, và dự tính sẽ cần ít nhất 20 năm trước khi tìm cách đặt nó dưới sự kiểm soát của nhà nước. Khi lên nắm quyền, Stalin giảm xuống còn 5 năm và bắt đầu chính sách tập thể hóa nông nghiệp từ năm 1927.[47] Stalin cho rằng các nông trang quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật sẽ giúp tăng cao năng suất nông nghiệp. Nông dân được kêu gọi gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp (kolkhoz) hoặc các nông trường (sovkhoz) do nhà nước điều hành.

Đứng trước cuộc khủng hoảng lương thực năm 1928, khi các thành phố thiếu lương thực trầm trọng, vấn đề tập thể hóa trở nên cấp thiết. Stalin cáo buộc thiếu lương thực là do giới phú nông (kulak) tích trữ, và quyết định tấn công vào giới này. Thực tế thì chỉ khoảng 1% nông dân Nga có cho thuê người làm và khoảng 4% có lương thực dư thừa (82% dân số là nông dân).[48] Định nghĩa của Stalin về kulak do đó bao gồm một bộ phận lớn nông dân tương đối đủ ăn, chiếm khoảng 60% dân số. Từ năm 1928, những người bị xác định là kulak, "hỗ trợ" kulak, hoặc về sau là cả "cựu kulak" bị bắt giữ, phần lớn bị trục xuất đi các miền xa xôi như Siberia, Kazakhstan, nhiều người chết trong quá trình trục xuất và khoảng 5 triệu người bị đưa vào các trại lao động, công trường cưỡng bức.[49][50]

Dù kulak bị loại bỏ, phần lớn nông dân không hào hứng tham gia tập thể hóa, và một hội nghị trung ương Đảng tháng 11 năm 1929 tán thành sử dụng các biện pháp cưỡng bức. Nông dân ban đầu sử dụng các buổi họp, và thư thỉnh nguyện lên lãnh đạo trung ương để bày tỏ ý kiến, nhưng về sau nhiều nông dân chuyển sang bạo lực, đốt phá nông trại, ám sát các viên chức địa phương và những người vận động tập thể hóa.[51][52] Quá trình tập thể hóa nông nghiệp gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nông dân thà giết thịt súc vật để ăn chứ không muốn đem vào hợp tác xã và chỉ riêng trong năm 1930, 25% dê, cừu và 1/3 số lợn của toàn quốc bị giết thịt. Năng suất giảm do nông dân không nhiệt tình sản xuất, những người điều hành không có kinh nghiệm nông nghiệp và kulak bị trục xuất.

Sự chống đối lan rộng tới mức Stalin phải quyết định tạm dừng, ra lệnh sửa chữa bằng một bài báo trên Pravda ngày 2 tháng 3 năm 1930 với tên "Hoa mắt vì thành công" rằng kế hoạch 5 năm tập thể hóa đã thành công vượt mức khiến nhiều chính quyền địa phương trở nên sai lầm do vội vã.[53] Tập thể hóa được tiến hành, với những biện pháp ít khắc nghiệt hơn và tới 1936, người ta báo cáo rằng 90% nông dân đã tham gia các hình thức canh tác tập thể. Chỉ đến năm 1940 sản lượng nông nghiệp mới hồi phục lại mức trong thời kì NEP.[54]

Năm 1932, Liên Xô xảy ra hạn hán và mưa lớn trên diện rộng dẫn đến cây trồng bị nhiễm nấm ký sinh nghiêm trọng. Dịch bệnh cây trồng đã làm giảm thu hoạch trong năm 1932 gần 9 triệu tấn lương thực[55] Hậu quả trực tiếp của việc sụt giảm sản lượng nông nghiệp là nạn đói ở Liên Xô năm 1932-1933, với số người chết được ước tính vào khoảng 3 triệu người.[56] Hầu hết các nhà sử học hiện đại cho rằng nạn đói là hậu quả của thảm họa tự nhiên, kết hợp với chính sách phân phối lương thực bất hợp lý, trưng thu quá mức và không thể nhập khẩu lương thực.[57] Nạn đói đặc biệt nghiêm trọng ở Ukraina, nơi có khoảng 1 triệu người chết trong nạn đói.[56] Các nhà sử học vẫn tranh cãi về việc đây có phải là một hành động trấn áp có chủ ý của Stalin nhằm vào Ukraina (bấy giờ nơi nào chống tập thể hóa sẽ được phân phối ít lương thực hơn).[58][59][60][61]

Năm 1933, chính phủ Liên Xô thực hiện cứu trợ rộng rãi và gửi đi hơn 20.000 công nhân công nghiệp, tất cả các thành viên Đảng Cộng sản tham gia việc đồng áng. Bất chấp những điều kiện tự nhiên khủng khiếp, vụ thu hoạch rất thành công vào năm 1933 đã chấm dứt nạn đói ở hầu hết các khu vực[55].

Đến cuối năm 1937, có 93% nông hộ và 99% đất canh tác đã được tập thể hóa. Cả nước đã có 242.500 nông trang tập thể, 4.000 nông trường quốc doanh, 9.818 trạm máy móc nông nghiệp. Sau khi hợp tác xã ra đời, các thửa đất nhỏ của hộ gia đình đã được dồn thành những cánh đồng lớn thuận lợi cho việc sử dụng máy móc cơ khí nông nghiệp. Nền nông nghiệp Liên Xô đã trở thành nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, giá trị sản lượng nông nghiệp đến cuối kế hoạch 5 năm lần 2 đã tăng 25%[62] Trên 90% đất đai trồng trọt đã được cày cấy bằng máy móc, thu nhập bằng tiền của nông trang viên tăng 3 lần.[63]

Nông thôn Liên Xô đã có những biến đổi to lớn. Từ 1938 đến 1940, Liên Xô đã xây dựng mới hơn 1.200 trạm cơ giới kỹ thuật, nền nông nghiệp nhận được 92.000 máy kéo mới. Tới đầu năm 1941 đã điện khí hoá hơn 10 nghìn nông trang và 2.500 trạm cơ giới kỹ thuật.[63] Việc canh tác thủ công trên các mảnh ruộng nhỏ, dùng gia súc kéo cày đã được thay thế bởi các nông trường cỡ lớn được cơ giới hóa. Nông nghiệp Liên Xô đã cơ bản được cơ giới hóa, năm 1938 đã có 483.500 máy kéo và 153.500 máy gặt đập liên hợp, thay thế cho ngựa kéo trước đây[64]

Theo các học giả, mặc dù Stalin đã thực hiện tập thể hóa nông nghiệp theo lối cưỡng chế, chính sách này đã "hiện đại hóa đáng kể nền sản xuất nông nghiệp truyền thống ở Liên Xô, và đặt cơ sở cho mức sản xuất lương thực tương đối cao vào những năm 1970 và 1980"[65]

Công nghiệp hóa

Tù nhân được sử dụng trên quy mô lớn cho các công trường như một biện pháp tăng cường nhân lực cho công nghiệp hóa[66].Dưới sự chỉ đạo của Stalin, Đảng Cộng sản Liên Xô thành lập Gosplan (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch kinh tế, và ban này đề ra Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1933) với mục tiêu tăng gấp đôi dự trữ vốn.[67]

Nền công nghiệp yếu kém là nguyên nhân quan trọng khiến Nga bại trận trong Thế Chiến thứ Nhất. Khi lên lãnh đạo, Stalin thừa hưởng một quốc gia với trình độ kỹ thuật lạc hậu, nghèo khó và đổ nát. Bốn năm chiến tranh thế giới thứ nhất, và lại bị hủy hoại một lần nữa bởi 3 năm nội chiến, một quốc gia có quá nửa dân số mù chữ, có trình độ kỹ thuật thấp, với các khu công nghiệp nhỏ bé bị cô lập bởi một loạt của các nông trang lạc hậu. Ngay từ đầu thập niên 1930, Stalin biết rằng chiến tranh thế giới sắp xảy ra lần nữa, và Liên Xô sẽ bị tiêu diệt nếu không có nền công nghiệp đủ mạnh. "Không có thời gian để mất, Hiệp ước Versailles không có gì hơn một lệnh ngừng bắn giữa hai cuộc chiến tranh" Tháng 2 năm 1931, Stalin phát biểu về tầm quan trọng sống còn của việc công nghiệp hóa Xô viết trước sự đe dọa ngày càng tăng từ các nước phương Tây:

Chúng ta lạc hậu hơn so với các cường quốc phương Tây cả 100 năm. Cần phải xây dựng nền công nghiệp bắt kịp phương Tây trong 10 năm. Ngành công nghiệp nặng. Nếu không thì chúng ta sẽ bị phương Tây tiêu diệt. (thực tế, đúng 10 năm 4 tháng sau đó, nước Đức đã tấn công Liên Xô)[68]

Do hầu như không có giao thương quốc tế và cấm vận tài chính cùng ngân khố trống rỗng, nguồn vốn cho công nghiệp hóa chủ yếu đến từ tài sản tịch thu được của kulak và hạn chế tiêu thụ của công dân. Ngoài ra, chính quyền Xô Viết sử dụng tù nhân quy mô lớn cho các lao động không công và vận động các đoàn viên thành niên cộng sản, kể cả đảng viên cho các công trình xây dựng. Các đạo luật lao động dưới thời Stalin đặt ra kỷ luật lao động nghiêm khắc: năm 1928, Luật lao động cho phép đuổi việc (đồng nghĩa mất tem phiếu và kể cả mất chỗ ở tại nhà máy) nếu công nhân vắng mặt không xin phép quá 3 ngày trong 1 tháng,[69] đến năm 1932 con số này rút xuống còn 1 ngày,[70] và về sau hình sự hóa sự vi phạm kỉ luật lao động (phạt tù từ 2 tới 4 tháng nếu trốn việc).[71]

Để tăng thêm động lực lao động, Danh hiệu Anh hùng lao động Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô lần đầu tiên được trao tặng bởi Stalin vào năm 1939. Danh hiệu được trao cho những người đã đạt được những "thành tựu phi thường" trong thành quả lao động như năng xuất sản phẩm được gia tăng đáng kể và cho những người đã thành công mỹ mãn trong những phương pháp và trong công nghệ, kỹ thuật để phát triển hơn nữa các nền kinh tế, khoa học, văn hóa của quốc gia. Các đặc quyền khác cũng được gắn liền với những người đã được trao tặng phần thưởng cao quý này như: trợ cấp, tiền tuất, ưu tiên hàng đầu về nơi ăn chốn ở, chăm sóc y tế...[cần dẫn nguồn]

Nhà máy thép Magnitogorsk thập niên 1930

Trong thời kỳ đầu Stalin có sử dụng một số công nghệ và thuê nhà thầu từ nước ngoài, bên cạnh đó Liên Xô cũng có những cải tiến công nghệ nhất định.[72] Ước tính của Liên Xô cho rằng tốc độ tăng trưởng thời gian này là khoảng 13,9%/năm, tuy nhiên các số liệu mà phương Tây (và nước Nga) hiện nay đưa ra những con số thấp hơn nhiều, 5,8% hoặc thậm chí 2,9%.[73][74]

Với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, Liên Xô đã xây dựng được một loạt các tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở dọc sông Dniepr, các nhà máy luyện kim như Magnitogorsk, LipetskChelyabinsk, Novokuznetsk, NorilskUralmash, nhà máy máy kéo ở Volgograd, Chelyabinsk, Kharkov, Uralvagonzavod... và nhiều nơi khác. Năm 1935, Stalin cho khởi công giai đoạn đầu tiên của Tuyến tàu điện ngầm Moskva với tổng chiều dài 11,2 km, một công trình hiện đại thời bấy giờ và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.[75]

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Liên Xô đã xây dựng nền công nghiệp nặng với kỹ thuật tiên tiến, đã xây dựng 1.500 xí nghiệp, chủ yếu là loại lớn và hiện đại. Kế hoạch được thực hiện trong 4 năm 9 tháng, giá trị tổng sản phẩm công nghiệp tăng 2 lần, trong đó công nghiệp nặng tăng 2,7 lần. Công nghiệp đã cho ra đời những ngành mới nhưu sản xuất máy kéo, ô tô, máy bay, máy liên hợp, đầu máy chạy điện, sản xuất cao su nhân tạo, tơ tổng hợpchất dẻo[76] Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành trước khi thời hạn (4 năm 3 tháng), nền công nghiệp Liên Xô lúc này có khả năng trang bị kỹ thuật mới không chỉ trong công nghiệp và cả trong các ngành giao thông vận tải, xây dựngnông nghiệp.[63]

Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 đặc biệt chú trọng công nghiệp nặng, đã xây dựng 4.500 nhà máy; giá trị tổng sản phẩm công nghiệp tăng 2,2 lần, trong đó nhóm A tăng 2,4 lần. Công nghiệp nhẹ cũng tăng nhưng không đạt kế hoạch (do số vốn đầu tư phải rút bớt cho công nghiệp quốc phòng để đề phòng nguy cơ chiến tranh)

Công nghiệp hóa nông nghiệp được chú trọng hàng đầu. Với sự xuất hiện của ngành công nghiệp máy kéo trong nước, năm 1932 Liên Xô đã không cần nhập khẩu máy kéo từ nước ngoài, và trong năm 1934 các nhà máy KirovLeningrad bắt đầu sản xuất nhãn hiệu máy kéo "Universal", nhãn hiệu máy kéo đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài. Trong mười năm (1932-1941), Liên Xô đã xuất khẩu khoảng 700 nghìn máy kéo, chiếm 40% sản lượng thế giới.[77]

Sự tăng trưởng của tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô trong thời gian 1928-1937.[78]
Sản lượng192819321937Tăng trưởng 1932 so với 1928 (%)
Kế hoạch 5 năm lần 1
Tăng trưởng 1937 so với 1928 (%)
Kế hoạch 5 năm lần 2
Sắt, triệu tấn3,36,214,5188 %439 %
Thép, triệu tấn4,35,917,7137 %412 %
Kim loại đen, triệu tấn3,44,413129 %382 %
Than, triệu tấn35,564,4128181 %361 %
Dầu, triệu tấn11,621,428,5184 %246 %
Điện, tỷ KW/h5,013,536,2270 %724 %
Giấy, ngàn tấn284471832166 %293 %
Xi măng, triệu tấn1,83,55,5194 %306 %
Đường, tấn128318282421165 %189 %
Máy công cụ, nghìn chiếc2,019,748,5985 %2425 %
Xe hơi, nghìn chiếc0,823,92002988 %25000 %
Giày dép, cặp xách58,086,9183150 %316 %

Đến năm 1937, Liên Xô đã vươn lên hàng thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Âu về sản lượng công nghiệp, trở thành một cường quốc công nghiệp

Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1938-1942) đã đề ra nhiệm vụ đuổi kịp và vượt qua các nước Tư bản không những về trình độ kỹ thuật và tốc độ phát triển, về mặt tổng sản lượng mà còn cả về mặt sản lượng tính theo đầu người. Dự tính đến cuối năm 1942 sẽ tăng sản lượng công nghiệp lên gấp đôi so với năm 1937, sẽ mở rộng công nghiệp than và luyện kim ở Viễn Đông, xây dựng cơ sở dầu lửa ở khu vực sông VolgaUral, đặc biệt là củng cố quốc phòng, trang bị vũ khí hiện đại cho Hồng quân. Trong vòng 3 năm của kế hoạch (1938-1940) sản phẩm công nghiệp tăng 45% và tới giữa năm 1941, tức là trước khi chiến tranh nổ ra đã đạt được 86% tổng sản phẩm ấn định trong kế hoạch. Từ năm 1938 đến tháng 6 năm 1941, Liên Xô đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 3.000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ và nhà máy thuỷ điện. Trong khắp các nước cộng hoà cũng mọc lên nhiều công trình xây dựng mới.[63]

Tới năm 1940, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã tăng gấp 7,7 lần so với năm 1913, bình quân hàng năm tăng 14%. Công nghiệp Liên Xô đã chiếm 77,4% cơ cấu nền kinh tế và chiếm 10% giá trị công nghiệp toàn thế giới. Cho đến lúc đó, thế giới chưa từng chứng kiến nhịp độ tăng trưởng nào như vậy[79]. Trong lịch sử, nước Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm. Trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.

Nếu tổng sản lượng công nghiệp năm 1913 được coi là 100 đơn vị, các chỉ số tương ứng của năm 1938 là 93,2 cho Pháp; 113,3 cho Anh, 120 cho Hoa Kỳ; 131,6 đối với Đức, và 908,8 cho Liên Xô (tức là tăng gấp 9 lần). Trong chuyến thăm mùa hè năm 1944 của Eric Johnston, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, người đã đến thăm Ural, SiberiaKazakhstan, đã tuyên bố rằng sự tiến bộ của nền kinh tế Liên Xô từ năm 1928 là "một thành tựu phi thường trong lịch sử phát triển công nghiệp của cả thế giới"[80] Nói một cách hình tượng, trong một khoảng thời gian ít hơn 1/4 thế kỷ, trình độ kỹ thật của nước Nga đã nhảy vọt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX[81] Kenneth Neill Cameron nhận xét[82]:

Khi chúng ta xem xét các số liệu thời Stalin, rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến một ​​sự tiến bộ kinh tế to lớn nhất từng được ghi nhận, ngay cả so với các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong thời hạn 10 năm, một xã hội ​​chủ yếu là phong kiến đã thay đổi thành một đất nước công nghiệp. Và lần đầu tiên trong lịch sử, một bước tiến như vậy không phải do chủ nghĩa tư bản, mà là do chủ nghĩa xã hội tiến hành.

Theo Robert Lewis, các kế hoạch 5 năm do Stalin hoạch định đã hiện đại hóa đáng kể nền kinh tế của Liên Xô trước đây vốn lạc hậu. Sản phẩm mới được phát triển, quy mô và hiệu quả sản xuất tăng lên rất nhiều. Một số cải tiến dựa trên phát triển kỹ thuật nội địa, những cải tiến khác dựa trên công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài[83] Tuy cái giá phải trả là rất lớn, nỗ lực công nghiệp hóa này đã cho phép Liên Xô chiến đấu, và cuối cùng giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.[84] Sản xuất quốc phòng tăng 2,8 lần chỉ sau 5 năm, vũ khí trang bị và trình độ cơ giới hóa cho quân đội Liên Xô đã đạt tương đương với các cường quốc khác[85]

Tổng công trình sư hàng đầu Liên Xô, Anatoli Ivanovich Savin, người từng tham gia chế tạo bom nguyên tử, thiết kế tên lửa có cánh, các chương trình chinh phục vũ trụ và thiết kế hệ thống chống vệ tinh duy nhất trên thế giới, đánh giá rất cao tài năng của Stalin. Ông coi Stalin là người đặt nền móng cho những thành tựu khoa học đã đưa Liên Xô trở thành siêu cường thế giới[86]:

Hiện nay, khi mà tôi bắt đầu suy nghĩ về kinh tế và khoa học quản lý thì mới thấy vô cùng khâm phục Stalin, tại sao một con người không được đào tạo sâu về chuyên môn lại có thể lãnh đạo một đất nước rộng lớn như đất nước chúng ta.Tôi nghiên cứu rất kỹ lịch sử hình thành nền công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Cho đến năm 1929 thì Liên Xô đã từng thử nghiệm rất nhiều phương pháp làm kinh tế và chỉ đến khi áp dụng hệ thống kế hoạch hóa và áp dụng bộ tiêu chí về giá thành tối thiểu của sản phẩm thì lúc đó kinh tế mới phát triển.

Giáo sư Kolesov tin rằng nếu không có các chính sách công nghiệp hóa của Stalin thì Liên Xô không thể duy trì nền độc lập chính trị và kinh tế của đất nước. Giá trị của công nghiệp hóa đã được xác định trước bởi tình trạng lạc hậu về kinh tế và một thời hạn quá ngắn để loại bỏ nó. Liên Xô đã loại bỏ tình trạng lạc hậu của đất nước chỉ trong thời gian rất ngắn là 13 năm (ngay trước khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô).[84]

Văn hóa, xã hội, y tế và thể thao

Tem thư của Liên Xô năm 1925 mô tả về hệ thống y tế tại nước này, khuyến khích phụ nữ tới trạm y tế để sinh đẻ thay vì nhờ vào các bà đỡ không được đào tạo.

Xã hội Xô viết đã chứng kiến những sự thay đổi to lớn. Do công nghiệp hóa đại quy mô, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống hầu như bằng 0. Từ năm 1923 tới 1937, số lượng công nhân tăng thêm 1,5 triệu người.[87] Những cải cách xã hội dẫn tới nhiều quyền bình đẳng hơn cho phụ nữ và hệ thống giáo dục bắt buộc được cải tiến dẫn tới tỉ lệ biết đọc biết viết tăng nhanh.[88]

Về y tế, nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về chăm sóc sức khỏe đã được hình thành ngay trong năm 1918. Chăm sóc sức khỏe được kiểm soát bởi nhà nước và sẽ được cung cấp miễn phí cho mọi công dân, điều này đồng thời là một khái niệm mang tính cách mạng. Phụ nữ Liên Xô lần đầu tiên được sinh đẻ trong những bệnh viện an toàn, với khả năng tiếp cận chăm sóc trước khi sinh. Chăm sóc y tế rộng rãi và miễn phí được nhìn nhận là sự ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với hệ thống tư bản chủ nghĩa.[89] Chất lượng nhà ở và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng cải thiện khiến tuổi thọ trung bình của người dân Soviet tăng đáng kể và các dịch bệnh như thổ tả, sốt rét... bị đẩy lùi.[90]

Trước cách mạng Tháng Mười, số lượng bác sĩ ở Đế quốc Nga là 20.000; con số này tăng lên 105.000 vào năm 1937. Số giường bệnh cũng tăng từ 175.000 lên đến 618.000[91] Trong giai đoạn Stalin lãnh đạo, nhờ việc thiết lập hệ thống y tế rộng khắp, tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm nhanh chóng, từ 286,6/1000 trẻ (năm 1913) xuống còn 81/1000 trẻ (năm 1950). Tiêu thụ rượu giảm 2 lần. Tỷ lệ dân số tử vong hàng năm giảm từ 2,91% (năm 1913) xuống còn 1% (năm 1950)[92].

Trong văn hóa, Liên Xô chứng kiến sự thống trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực nhấn mạnh vào ca ngợi sự ưu việt của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Các khuynh hướng từng được cho là cách mạng như chủ nghĩa biểu hiện, nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật tiền phong bị coi là chủ nghĩa hình thức và bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa. Trong kiến trúc, chủ nghĩa tân cổ điển với kích thước công trình đồ sộ làm nên cái mà sau giới sử học gọi là "Phong cách đế chế Stalin", thay cho chủ nghĩa cấu trúc những năm 1920 ở Nga.

Liên Xô còn thi hành chính sách cấm phân biệt chủng tộc, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết và thực hiện nam nữ bình quyền. Chính phủ Liên Xô chi ra những khoản đầu tư lớn để phát triển kinh tế xã hội tại các vùng kém phát triển như Trung Á, Siberia... nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của các dân tộc chậm tiến tại các vùng này. Liên Xô cho phép phụ nữ có quyền bầu cử trước cả các nước phương Tây đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ được giáo dục ở bậc cao và tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.

Mặc dù là một người Gruzia, Stalin tiến đến chỗ tin vào sự ưu việt của nước Nga và khuyến khích việc ca ngợi lịch sử, ngôn ngữ và các anh hùng dân tộc Nga trong những năm 1940, xem dân tộc Nga là anh cả của những tộc thiểu số khác.[93]

Nhờ thành quả của công nghiệp hóa, các tiêu chuẩn của cuộc sống được cải thiện. Năm 1936, chế độ tem phiếu đã được hủy bỏ, đi kèm với sự gia tăng tiền lương trong khu vực công nghiệp và sự gia tăng lớn hơn giá trị bữa ăn công cộng cho tất cả các loại hàng hoá. Mức tiêu thụ hàng tiêu dùng bình quân đầu người năm 1938 đã cao hơn 22% so với năm 1928[94]

Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục, năm 1930 chính phủ Xô viết thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc. Trước Cách mạng, khoảng 75% dân số Nga mù chữ. Từ 1930 - 1932, có trên 30 triệu người đã được thanh toán mù chữ. Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, số trường cao đẳng công nghiệp tăng 10 lần, số trường cung cấp kỹ thuật tăng 4 lần, ngành giáo dục đại học cung cấp 10 vạn kỹ sư, hàng chục viện nghiên cứu khoa học được ra đời.[63]

Năm 1935, Liên Xô đã thực hiện xong nền giáo dục cấp I bắt buộc cho tất cả mọi người và phổ cập giáo dục phổ thông cấp II ở thành phố. Số học sinh từ 8 triệu năm 1913 tăng lên 28 triệu trẻ em vào năm 1937. Số sinh viên tăng từ 112.000 lên 542.000. Đến đầu năm 1937. Đội ngũ tri thức Xô Viết đã có tới 10 triệu người. Các tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật, hội họa cũng có nhiều phát triển.[63] Trong một thời gian ngắn, số người được xóa mù chữ đã tăng nhanh. Vào năm 1940, Liên Xô đã có thể tự hào thông báo rằng nạn mù chữ đã được loại bỏ, điều mà nhiều cường quốc tư bản phương Tây đương thời như Mỹ, Pháp... cũng chưa hoàn thành được.[95]

Nhiều chính sách hiệu quả của Stalin vẫn được áp dụng ở Nga cho tới nay. Chương trình nâng cao thể lực nhân dân được Stalin đưa ra vào những năm 1930, với tinh thần rèn luyện sức khỏe để "sẵn sàng lao động và bảo vệ tổ quốc". Các công dân được yêu cầu phải tham gia nhiều môn thể thao phối hợp như chạy bộ, nhảy xa, trượt tuyết, bơi lội. Các cuộc thi thể thao được tổ chức thường xuyên, người chiến thắng được trao huân chương và vinh danh. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho khôi phục chương trình, với mục tiêu duy trì vị thế hàng đầu thế giới của thể thao Nga cũng như để "tỏ lòng tôn kính truyền thống lịch sử của đất nước chúng ta"[96].

Tôn giáo

Ảnh chụp Nhà thờ Chúa Cứu thế Moskva bị phá hủy ngày 5 tháng 12 năm 1931.

Thập niên 1920, Tòa thánh Vatican cáo buộc Liên Xô "đàn áp khắc nghiệt các giáo sĩ, tu sĩ và nữ tu và những người khác liên quan đến Giáo hội". Tuy nhiên, theo một báo cáo chính thức dựa trên điều tra dân số năm 1936, đã có hơn 55% công dân Liên Xô công khai nhận mình có niềm tin với một tôn giáo nào đó, trong khi những người khác có thể che giấu niềm tin của họ.

Ngay từ năm 1926, Giáo hoàng Piô XI đã cử một linh mục Dòng Tên người Pháp, Michel d'Herbigny, tới Liên Xô để liên hệ với các tổ chức bí mật của giáo hội tại đây[97] Ngày 19/3/1937, Giáo hội Công giáo, đứng đầu là Giáo hoàng Piô XI, đã ra một Thông điệp chống Cộng cho toàn thể giáo dân trên thế giới (Divini Redemptoris), trong đó lên án "chủ nghĩa vô thần được lãnh đạo bởi Bolshevik" (Liên Xô).[98] Người kế tục, Giáo hoàng Piô XII, đã phát động cuộc thập tự chinh chống Cộng ghê gớm trong suốt thế kỷ XX[99]

Đáp trả lại, chính quyền Stalin, bên cạnh việc truyền bá hệ tư tưởng cộng sản, khuyến khích chủ nghĩa vô thần thông qua tuyên truyền bài tôn giáo trong dân chúng và trong trường học, cùng một chiến dịch truy bắt nhằm vào các tín đồ bị tố cáo hoạt động gián điệp hoặc phá hoại. Vào cuối những năm 1930, tuyên bố công khai mình theo tôn giáo là một điều nguy hiểm.[100]

Vai trò của Stalin trong vận mệnh của Giáo hội Chính thống giáo Nga khá phức tạp. Những sự đàn áp liên tục trong những năm 1930 đã dẫn tới nó gần như tuyệt chủng với tư cách một thể chế công khai: tới năm 1939, các giáo xứ hoạt động đã giảm xuống từ 54000 năm 1917 xuống còn vài trăm, nhiều nhà thờ bị phá sụp, hàng chục nghìn lịch mục, tu sĩ và sơ bị thẩm vấn, bắt giam hoặc xử bắn. Trên 100 nghìn người liên quan tới tôn giáo bị xử bắn trong những đợt thanh trừng 1937-1938.[101][102] Trong vòng 1 thập kỷ, tất cả những chức danh tôn giáo được bổ nhiệm bí mật bởi Michel d'Herbigny đều đã bị lộ, bắt giam hoặc trục xuất, cố gắng để nắm quyền chỉ huy mạng lưới nhà thờ tại Liên Xô của Vatican bằng các phương pháp bí mật đã bị bỏ rơi, và d'Herbigny bị Tòa thánh cách chức một cách bí mật. Kế hoạch được ví như Con ngựa thành Troia của Vatican dành cho Liên Xô đã thất bại[103]

Sau này, khi lãnh đạo Giáo hội công nhận uy quyền thế tục của Stalin và chính quyền Liên Xô, Stalin cho phép Chính thống giáo hoạt động trở lại và vận dụng giáo hội vào việc động viên chiến tranh trong Thế Chiến II.

Đối ngoại

Chân dung Stalin tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Đức Quốc xã năm 2010

Sau khi các cường quốc Âu Mỹ can thiệp thất bại vào Nội chiến Nga, quan hệ với quốc gia tự xem mình là người báo hiệu một cuộc cách mạng thế giới tiếp tục đóng băng một thời gian dài. Tuy nhiên dần dần các quốc gia chấp nhận sự tồn tại của Liên Xô. Tới năm 1933, Pháp, Đức, Anh và Nhật cùng với nhiều quốc gia khác đã công nhận chính phủ Xô viết và thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16 tháng 11 năm 1933, Hoa Kỳ trở thành cường quốc lớn cuối cùng chấp nhận Liên Xô.[104] Năm 1934, Liên Xô được chào đón gia nhập Hội Quốc Liên.[105]

Ban đầu quan hệ Liên Xô-Pháp khá căng thẳng, do cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng ở Trung Âu, và kết quả là Liên Xô xích lại gần Đức. Tuy nhiên, chính sách tăng cường vũ trang của Hitler khiến cho Stalin lo ngại, và tháng 5 năm 1935 Liên Xô ký hiệp ước tương trợ lẫn nhau với Pháp và Tiệp Khắc. Hiệp ước này ít có tác dụng thực tế bởi Tiệp Khắc không có biên giới chung với Liên Xô mà ngăn cách bởi Ba LanRumani, cả hai nước này từ chối cho Liên Xô hành quân qua trong trường hợp bị Đức xâm lược, trong khi Pháp thiên về bảo toàn lực lượng, Anh thì từ chối liên minh với Liên Xô để chống lại Hitler. Đức Quốc xã thôn tính Áo rồi Tiệp Khắc, trong khi thiết lập một mặt trận chung chống Liên Xô (dưới tên Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản năm 1936) với Đế quốc Nhật Bản rồi sau đó thêm Italia, lập nên "Phe Trục".[106]

Tháng 4 năm 1939, Stalin đề xuất tái lập liên minh quân sự với Anh và Pháp nhưng phái đoàn Anh-Pháp tỏ ra lạnh nhạt. Cuối cùng Stalin quay ra ủng hộ phương án hòa hoãn với Đức.[107] Ngày 23 tháng 8 năm 1939, dưới chỉ đạo của Stalin, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop được ký tại Moskva, với nội dung hai nước Liên Xô và Đức cam kết không xâm lược lẫn nhau.[108] Một phần của Hiệp ước là một Nghị định thư bí mật, trong đó Liên Xô và Đức chia sẻ vùng ảnh hưởng ở châu Âu, Đức ghi nhận Liên Xô có quyền thiết lập ảnh hưởng tại các nước Baltich và một số lãnh thổ Đông Âu.[109]

Tuy không giữ vị trí nào trong Quốc tế Cộng sản, vai trò đỡ đầu của Liên Xô trong tổ chức đóng ở Moskva này khiến cho Stalin có tiếng nói bao trùm, nhất là sau khi các đối thủ chính trị như Zinoviev, Trotsky đã bị cho hành quyết. Quốc tế Cộng sản dưới thời Stalin từ bỏ chính sách mặt trận thống nhất thời 1924-1928 (mà Zinoviev cổ vũ), thay vào đó khuyến khích những cuộc bạo động khởi nghĩa sớm. Tuy vậy các cuộc khởi nghĩa này sớm bị đàn áp đẫm máu như Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam hay cuộc khởi nghĩa của cộng sản Indonesia năm 1930. Đường lối hoạt động của Quốc tế Cộng sản cũng bị chi phối mạnh bởi lợi ích đối ngoại của Liên Xô, điển hình là sự quay lại chính sách mặt trận thống nhất chống phát xít từ năm 1935. Nhiều thành viên cao cấp của Quốc tế Cộng sản hoặc lãnh đạo các đảng cộng sản ở nhiều nước châu Âu và châu Á cũng là nạn nhân của cuộc Đại thanh trừng năm 1937.[110] Việc Stalin ký hiệp ước với Đức Quốc xã gây chia rẽ lớn trong nội bộ các đảng cộng sản trên thế giới[111] và cuối cùng, khi Stalin muốn chứng tỏ với các đồng minh phương Tây rằng Chiến tranh Vệ quốc là một phần cuộc chiến của thế giới tự do chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa phát xít, Quốc tế Cộng sản bị giải thể.[112]

Trên Hà Thành ngọ báo ngày 26 Tháng Mười Hai 1933 có bình luận về việc Stalin hỗ trợ Cách mạng Trung Quốc: "Từ năm 1924 đến năm 1927, trong cuộc cách mệnh ở Trung Quốc, Staline có từng đứng xa giựt dây, kết quả bị thất bại to, Trotsky hết sức công kích chỗ đó. Bình tâm mà bàn, về việc ấy Staline quả sai lầm thật, đan cử như Tưởng Giới Thạch đã rõ ràng phản cộng. Staline còn ở xa cố mưu hợp tác, mãi về sau mới chịu đổi phương châm... Nhưng mà Trung Quốc vẫn nguyên hình dạng cũ năm 1911, quyết chưa có thể theo chủ nghĩa Cộng sản. Hiện nay, những phần tử Sô viết ở Trung Quốc, số nhiều đều là nông dân, cái ý muốn của họ chỉ là cốt được chia ruộng đất để cày cấy mà ăn, thực ra chẳng cảm hóa gì được mảy may về chủ nghĩa Cộng sản cả. Nhân đó mà khu Cộng sản ở Trường giang, hoặc sẽ thành cái cột trụ gây nên "nước Trung Hoa chủ nghĩa tư bản mới" cũng chưa biết chừng... Cuộc thế giới cách mệnh và cuộc Quốc gia cách mệnh, theo cái đại thể ngày nay mà xem xét, tiền đồ còn là mập mờ... Làm sao chủ nghĩa Cộng sản ở nước Nga thì được thành công mà mãi đến nay không thể gây dựng được ở nước khác? Tác giả có thể đem những nguyên nhân cốt yếu mà bày ra sau này: Nước Nga trước khi cách mệnh, giai cấp tư bản có rất ít người, lực lượng cũng yếu, giai cấp trung đẳng thì lại không đủ nói, lúc đó chỉ có các thợ thuyền, phải chịu cách sinh hoạt tàn bạo, bóc lột và khốn khổ, ngoài cái thân ra, không còn mảy may tài sản, ngoài cách cố lo giải phóng, thực không còn có đường nào mong sống nữa. Nông dân ở Nga bấy giờ, cũng lại cùng khốn lắm nữa, ăn mặc không đủ, phần lớn đất cát ở dưới chế độ phong kiến thái ấp của vua Nga, còn không được mấy. Cho nên giai cấp vô sản bị đè ép ấy, vào cái dịp dễ cách mệnh trong năm 1917, lại được nông dân giúp sức, hèn chi nhất cử mà được thành công ngay. Người Nga Sôviết cũng là do cái hoàn cảnh đặc biệt sinh ra vậy. Còn ngày nay ở trong các nước, giai cấp tư bản không ngu xuẩn, ươn hèn như ở Nga bấy giờ, vả các nước công nghiệp lại không như nước Nga ngày xưa có vấn đề đất cát của nông dân. Đến như thợ thuyền ở các nước phương tây, hầu hết là thân phần "nửa nhà tư bản", bọn họ chịu nhà tư bản hun đúc lâu ngày, đều mong sẽ có ngày trở nên phú hào, đó thực là cái hào lũy rất tốt để chống lại chủ nghĩa quá khích vậy"[113]

Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9/1939), Liên Xô có 2 lần can dự vào chiến tranh ngoài lãnh thổ nước mình:

  • Năm 1936, trong Nội chiến Tây Ban Nha, Liên Xô cử các cố vấn quân sự và viện trợ vũ khí cho phe Cộng hòa để chống lại phe Quốc gia của Francisco Franco (được sự hỗ trợ của Đức Quốc xã), đồng thời vận động phong trào cộng sản quốc tế ủng hộ.[114] Tuy nhiên cuối cùng phe Quốc gia của Franco giành chiến thắng, thiết lập chế độ thân phát xít và ủng hộ cho phe Trục của Đức Quốc xã.
  • Ở biên giới phía Đông, quân Nhật bắt đầu gây hấn từ năm 1932, tấn công Mông Cổ và đe dọa Liên Xô. Trong Chiến dịch Khalkhyn Gol (8/1938), liên quân Liên Xô-Mông Cổ đã đánh bại quân đội Nhật bản, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của Mông Cổ. Thất bại này khiến Đế quốc Nhật Bản phải chuyển hướng chiến lược sang mặt trận châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên ký hiệp ước đình chiến ngày 15 tháng 9 năm 1939[115] Liên Xô tạm yên mặt đông và có thể tập trung vào mặt trận châu Âu.[116]

Trấn áp đối thủ

Mặc dù trong thời kỳ Nội chiến Nga, các lãnh đạo Bolshevik như Lenin, Trotsky đã từng sử dụng các biện pháp trấn áp nhằm tiêu diệt kẻ thù của Cách mạng (quân Bạch Vệ) và gieo rắc nỗi sợ cho kẻ thù dưới tên "Khủng bố Đỏ", chính Stalin là người tiến hành việc thanh trừng trong nội bộ Đảng Cộng sản và trải rộng toàn xã hội Soviet, tạo nên một thời kỳ thường gọi là "Đại thanh trừng" hoặc "Đại Khủng bố" (tên gọi sau nhắc lại thời kỳ Triều đại Khủng bố trong Cách mạng Pháp năm 1789), kéo dài từ năm 1934 tới năm 1940.[117]

Stalin và Kirov, năm 1934

Tuy đã nắm được vị trí tối cao trong Đảng, Stalin vẫn cảm thấy nguy cơ bị thách thức về chính trị, nhất là sau những hỗn loạn xã hội đầu thập niên 1930 và nạn đói năm 1933.[118] Mặt khác, Stalin đã cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô không thể củng cố hàng ngũ của mình nếu không có những cuộc thanh lọc định kỳ đối với những cán bộ tham nhũng suy thoái, biến chất trong nội bộ[119]:

Trong Liên Xô

Từ "thanh trừng" ban đầu chỉ có nghĩa giới hạn trong việc khai trừ những đảng viên bị coi là "thiếu phẩm chất" hoặc đi theo "đường lối phản cách mạng": Chỉ trong năm 1933 đã có 400 nghìn Đảng viên bị khai trừ. Tuy nhiên về sau việc khai trừ thường đồng nghĩa với bắt giữ, thẩm vấn hoặc thậm chí là xử tử.

Ngày 1 tháng 12 năm 1934, Bí thư Thành ủy Leningrad, Sergei Kirov bị ám sát, Stalin lấy cớ đó để phát động thanh trừng hàng loạt, mở đầu bằng việc xử tử 104 người với cáo buộc họ tham gia vào âm mưu giết Kirov, mặc dù họ đang ở trong tù vào thời điểm xảy ra vụ ám sát.[120] Nhiều nhân vật đương thời và các nhà sử học về sau tin rằng chính Stalin đã ra lệnh giết Kirov, tuy là một người theo đường lối Stalin nhưng một ngôi sao chính trị đang lên trong Đảng, làm lu mờ cả vị trí của Stalin.[121]

Tràng An báo (xu hướng bảo hoàng) số ngày 27 tháng 1 năm 1942 lấy lại từ báo Dépêtre d'Indochine bình luận mục đích của Stalin trong sự kiện này là nhằm loại bỏ những phần tử hiếu chiến trong quân đội:

Năm 1936, hàng trăm võ quan tinh thông thao lược, nhưng được mệnh danh là "những con rắn lục tà dâm" bị thắt cổ chết trong các ngục đường tối đen của sở trinh thám Guépéou. Ở Nga người ta cho những cuộc thanh trừng ấy là những phương pháp vãn cứu Hồng quân rất có hiệu lực. Trotsky đã đầu độc Hồng quân với thuyết "thường trực cách mệnh" là lý thuyết đã quả quyết rằng những việc xảy đến ở Nga chỉ là một giai đoạn trong cuộc thế giới cách mệnh. Hồng quân vì thế phải còn can thiệp vào nhiều nước ngoài để chuẩn bị cuộc "cách mệnh xâm lược các nước tư bản". Cũng vì thế người ta đã nghiên cứu đến một chiến lược tấn công. Nhưng Stalin đã giác ngộ các đồng chí trong những mộng tưởng phiêu lưu ghê gớm về tương lai ấy, thống chế Toukhatchevski vì thế bị lên đoạn đầu đài. Cuộc thanh trừng năm 1936 đã xóa tan những ảo mộng xâm lược ngoại quốc để đem Hồng quân về làm nhiệm vụ phòng thủ hoàn toàn, theo những quan niệm của các thủ lĩnh cộng sản kỳ cựu. Cho nên Stalin đã từ chối không muốn giúp gì mấy cho mấy bình dân chiến tuyến Tây Ban Nha hồi năm 1936. Stalin đã có công tăng cường lực lượng Hồng quân bằng cách khu trục tất cả những kẻ "tham lam trọng tội", những kẻ mơ ước như Napoleon. Thì ra ngoài mặt Stalin vẫn hô hào Sô liên chinh phục ngoại quốc, kỳ thật Stalin là kẻ lo sợ ngoại quốc xâm lăng hơn ai cả.[122]

Trên tờ Sông Hương số ngày 3 tháng 7 năm 1937:

Thống chế Toukhachevski và bảy viên Nguyên soái ở Nga bị đưa ra tòa vì tội gián điệp, mật thám cho ngoại quốc (Đức), để mưu đồ việc đảo chính và thực hiện lại xã hội tư bản... Trotsky bị đổ, Toukhatchevski kì tưởng chừng sự nghiệp sẽ bị tiêu tan theo. Một sự may mắn, người ta lại thăng cho y chức thống chế. Thật y không hiểu gì cả... Hồi vụ án Trotsky mới đây thôi, người ta đã bắt một sĩ quan hạ thuộc của y. Tuy thế người ta vẫn để y yên ổn. Ngày 1 tháng 5 vừa rồi, trước đài Kemlin xem duyệt binh, y vẫn đứng bên phải của Staline. Chỉ năm tuần sau (11 Juin) là y bị bắt... Ngày 12 Toukhatchevski và 7 viên nguyên soái đã bị xử tử rồi. Lời bàn: Làm bá tước làm quan với Nga hoàng, làm tay chân cho Trotsky, tất đến làm mật thám cho Đức. Một bước đường tất nhiên của lịch sử vậy.[123]

Các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo bị nghi ngờ móc nối với ngoại quốc cũng trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng. Các dân tộc Trung Á và người Do Thái bị truy bức, nhưng nặng nề nhất là người Ba Lan với con số ước tính 143 810 người bị bắt giữ và 111 091 người bị hành quyết.[124] Khoảng 85% trên tổng số 35 nghìn linh mục bị bắt, khoảng 100 nghìn người liên quan tới tôn giáo bị giết. Trong số các nạn nhân có cả vài trăm người là di dân từ Hoa Kỳ và Canada do cuộc Đại khủng hoảng.[125]

Bên ngoài Liên Xô

Chiến dịch thanh trừng của Stalin cũng vươn ra ngoài địa hạt Liên Xô. Quốc tế Cộng sản được chỉ đạo tiến hành thanh trừng hàng loạt trong đội ngũ lãnh đạo và tấn công những người theo Trotsky trên thế giới. Hàng loạt lãnh đạo đảng cộng sản bị triệu hồi về Moskva rồi bị thẩm vấn, nhiều trong số họ bị bỏ tù (lãnh tụ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh cũng từng bị thẩm vấn và điều tra bởi một nhóm ba người nhưng không bị kết tội).[126] Stalin cũng gửi điệp viên tới các quốc gia khác để mưu sát những người chạy trốn và những địch thủ khác, đáng chú ý nhất là vụ mưu sát Trotsky tại nơi ở của ông này ở México.[127]

Ở những vùng ảnh hưởng của Liên Xô, Stalin cũng tìm cách phát động các cuộc thanh trừng. Các thành viên NKVD của Liên Xô được gửi tới Cộng hòa Nhân dân Mông CổTân Cương (dưới quyền lãnh chúa Thịnh Thế Tài thân Liên Xô) để chống lại cái gọi là khuynh hướng Trotsky hoặc "gián điệp cho Nhật" ở nơi đây.[128][129] Cuộc thanh trừng ở Mông Cổ đã dẫn tới việc xử tử khoảng 18000 lạt ma, cùng với một số nhân vật chính trị và cả dân thường.[130] Những hố chôn tập thể của hàng trăm thường dân và tu sĩ Phật giáo bị hành quyết được phát hiện ở đây vào năm 2003.[131]

Hậu quả và vai trò của Stalin

Về mặt chính trị, Đại thanh trừng đã loại bỏ hầu như mọi sự đối đầu với quyền lực cá nhân của Stalin. Hầu hết những người Bolshevik đồng chí với Stalin và Lenin thời kỳ đầu đều bị xử tử, trừ vài người như Molotov và Kalinin chịu tuân phục Stalin.

Các nhân vật chính trị, trí thức, nghệ sĩ sau khi bị bắt giữ thì tên tuổi của họ cũng bị xóa sạch khỏi các văn bản, tranh ảnh, như là chưa hề tồn tại. Vụ thanh trừng tuy vậy làm suy yếu năng lực điều hành của chính quyền, nhất là sự thiếu hụt sĩ quan có kinh nghiệm trong quân đội.[132]

Một danh sách truy bức mà Molotov, Stalin, Voroshilov, Kaganovich, và Zhdanov ký trong thời kỳ này.

Mặc dù Yagoda, Yezhov và Beria trực tiếp chỉ đạo việc thanh trừng, Stalin đóng vai trò chỉ lãnh đạo cao nhất và liên hệ chặt chẽ với nó. Đã từng có những lý thuyết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh về nỗi sợ khủng bố, sự mất kiểm soát của chính quyền trung ương và về vai trò của các nhà lãnh đạo khu vực như là nguyên nhân chính dẫn tới số lượng người chết quá lớn, nhưng theo nhà sử học Oleg V. Khlevniuk thì các lý do này đơn giản là không được các ghi chép lịch sử ghi lại.[133] Trong một số trường hợp, Stalin đã trực tiếp chỉ đạo Yezhov thẩm vẫn những người không chịu thú tội.[134] Trong suốt thời kỳ những năm 1937 và 1938, Stalin đã tự tay ký 357 danh sách trong đó chuẩn thuận việc tòa án tuyên án tử hình hàng nghìn người, và 90% số đó về sau được xác nhận là đã bị bắn.[135] Stalin cũng chọn riêng Vasili Blokhin giám sát việc thi hành án tử hình các nhân vật quan trọng.[136]

Sử gia Đức, một giáo sư khác về lịch sử Đông Âu tại đại học Humboldt ở Berlin, Jörg Baberowski, đã từ bỏ quan điểm ban đầu cho là Stalin tiến hành cuộc thanh trừng vì ý thức hệ độc tài cấp tiến muốn cải tổ và tạo trật tự xã hội mà ông bị ảnh hưởng của tư tưởng Zygmunt Bauman. 7 năm sau, sau khi đọc hàng ngàn trang tài liệu, trong cuốn sách mới ấn bản 2012 với tựa là "Verbrannte Erde – Stalins Herrschaft der Gewalt", ông cho là Stalin đã bị chứng Rối loạn nhân cách chống xã hội bạo động, cho nên mới có những bạo động có hoạch định và có chỉ tiêu.[137]

rong cuốn sách được viết sau 10 tuần ở Liên Xô vào năm 1941, Quentin Reynolds thì cho rằng cuộc thanh lọc của Stalin là một biện pháp hữu hiệu để chống lại gián điệp và bảo vệ đất nước trong Thế Chiến thứ Hai[138]:

"Hôm nay đã không còn một gián điệp, không còn một kẻ phản bội nào ở nước Nga Xô Viết. Người Đức đã cố gắng một cách tuyệt vọng để thiết lập các tòa án với người dân địa phương là người đứng đầu danh nghĩa của các tòa án đó khi họ chiếm các thành phố như Odessa, Kiev, và những nơi khác trong cuộc tiến quân thành công của họ vào mùa thu năm ngoái. Nhưng trong mọi trường hợp, Đức không thu được thành công. Những kẻ phản bội tiềm năng, tất cả đã bị tống vào các trại lao động của phía bắc xa xôi. Stalin biết rõ những gì ông đã làm vào năm 1938: tinh thần đoàn kết tuyệt vời của người dân nước Nga hiện nay và tinh thần hoàn toàn không khiếp sợ trước thảm kịch khủng khiếp mà Đức gây ra là bằng chứng thực tế rằng người dân Nga chấp nhận các cuộc thanh trừng của Stalin. Nói cách khác, đó là việc "Bạn không thể làm món trứng tráng mà không đập vỡ quả trứng".

Cùng là một con người và sự kiện, nhưng tùy theo nhãn quan chính trị mà việc đánh giá Stalin là rất khác nhau. Ngày nay, sách giáo khoa lịch sử của Nga nhìn nhận sự trấn áp của Stalin một cách khách quan hơn. Trong thời kỳ này, ở Liên Xô luôn tồn tại chủ nghĩa dân tộc cực đoan đe dọa gây ra thảm họa mới cho đất nước. Trong khoảng thời gian 1944-1954, đã có tới 40.000 dân thường chết do lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc gây ra. Stalin đã cứng rắn và khôn khéo lãnh đạo đất nước dập tắt phong trào này, góp phần củng cố, phát triển Liên bang Xô Viết. Sách giáo khoa mới đã đánh giá việc trấn áp của Stalin là phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Đối với vấn đề thanh trừng nội bộ cũng được sách bình luận theo chiều hướng tích cực: Trấn áp không phải để "lạm sát người vô tội" mà bản ý của Stalin là loại bỏ những cán bộ kém năng lực, suy thoái đạo đức, tham nhũng trong nội bộ chính quyền. Thực tế này được xem là khát vọng của ông muốn bảo đảm cho bộ máy quản lý phát huy hiệu quả lớn nhất.[4]

Chính sách dân tộc

Dưới thời kỳ Stalin cầm quyền, người ta chứng kiến những đợt trục xuất và di dân quy mô vào hàng lớn nhất trong lịch sử. Theo số liệu chính thức của Liên Xô ước tính, có hơn 14 triệu người đã từng bị buộc phải di cư, bị đưa đến những trại lao động hoặc công trường từ năm 1929 tới 1953, cùng với khoảng 7 tới 8 triệu người bị trục xuất và bị đưa tới những miền xa xôi và khí hậu khắc nghiêt.[139]

Những lý do mà chính quyền Soviet đưa ra cho những đợt di dân, ngoài tù nhân phải lao động cải tạo, là để đối phó với chủ nghĩa ly khai, sự chống đối chính quyền Liên Xô và những phần tử hợp tác với quân Đức Quốc xã xâm lược. Những căn cứ này có lúc đúng nhưng cũng có lúc sai lầm hoặc vội vã. Người ta thường di dời cả cộng đồng chứ không xem xét đến trường hợp từng gia đình hay ý nguyện của họ. Chẳng hạn sau khi quân phát xít chiếm Kavkaz, do lo ngại người Tatar ở Crimea hợp tác với quân Đức, toàn bộ dân miền núi và người Tatar ở Crimea - tổng cộng hơn 1 triệu người - bị trục xuất mà không được thông báo, cũng không mang theo được tài sản.[140]

Các đợt di dân lớn diễn ra ít lâu trước Thế Chiến II và giai đoạn đầu của nó. Người ta ước tính rằng giữa 1941 và 1949 có khoảng 3,3 triệu người bị đưa tới Siberia và miền Trung Á,.[141][142] Định kiến của Stalin về lòng trung thành của một số nhóm sắc tộc đặc biệt, bao gồm người Triều Tiên ở Liên Xô, người Chechen, người Tatar Krym, người Đức ở miền Volga và người Ba Lan khiến những dân tộc này chịu nhiều ảnh hưởng nhất, hàng trăm nghìn người đã chết trên đường di cư.[141] Trong số những người có thể tới nơi định cư mới, theo một ước tính thì có 18-43% những người tái định cư bị chết trong vòng 15 năm do bị mắc bệnh hoặc thiếu ăn.[143]

Những đợt di cư này đã làm thay đổi mạnh bản đồ nhân khẩu và dân tộc của Liên Xô. Nhiều dân tộc bị di dời khỏi nơi cư trú truyền thống của mình, gây ra nhiều hậu quả lâu dài. Tới năm 1956 Khrushchev lên án chính sách trục xuất của Stalin là vi phạm nguyên tắc chính sách dân tộc của Lenin và tìm cách khắc phục.[144] Tuy nhiên tiến trình này diễn ra chậm, phải tới khi Liên Xô tan rã (1991) thì các dân tộc thiểu số mới được phép di cư quy mô lớn về quê hương cũ; nhiều nhóm dân vì điều kiện địa lý mà chưa thể quay về.

Hậu quả của sự trục xuất và di dân kéo dài tới ngày nay. Chẳng hạn, cộng đồng người Tatar ở Krym vốn là nhóm đa số ở Krym từ nhiều đời, bị trục xuất khỏi quê hương năm 1944 và từ đó khiến người Nga trở thành sắc tộc đa số ở miền này. Trong cuộc Khủng hoảng Krym năm 2014, nước Nga can thiệp quân sự rồi sáp nhập Krym viện dẫn đó là ý nguyện của đa số người dân địa phương thuộc dân tộc Nga. Cộng đồng người Tatar cho rằng chính họ mới là những người có quyền vận mệnh Krym chứ không phải người Nga di dân.[145] Ký ức đau thương về những đợt trục xuất còn sâu đậm trong tâm trí nhiều dân tộc thiểu số, và là một nguồn động lực cho chủ nghĩa ly khai hiện nay ở những vùng thuộc Nga như Chechnya.[146]

Mặt khác, Stalin duy trì quyền bình đẳng giữa mọi công dân thuộc mọi chủng tộc. Bình đẳng dân tộc trong mọi hình thức (ngôn ngữ, giáo dục...) là một yếu tố thiết yếu trong các giải pháp xử lý các vấn đề quốc gia. Stalin đề ra một chính sách nhà nước dựa trên nền dân chủ đầu phiếu, nghiêm cấm mọi loại đặc quyền của riêng một dân tộc nào đó hoặc những hình thức phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số.[147] Ví dụ như Kazakhstan là một trong những nước cộng hòa dân tộc thiểu số của Liên Xô, và chính quyền đã thông qua luật quy định tất cả các ngành công nghiệp tại Kazakhstan phải sử dụng ít nhất 50% nhân công là người dân tộc bản địa, cả trong sản xuất và quản lý. Đây có thể là một luật rất tiến bộ, tạo ra cảm hứng cho các giáo sư và chủ nghĩa nhân đạo trên tất cả các nơi trên thế giới[148]

Dù người ta có thể nói về việc thiếu tự do cá nhân dưới thời Stalin, không ai có thể nghi ngờ rằng Liên Xô đã thực hiện các nguyên tắc bình đẳng dân tộc tương đương với những nền dân chủ tốt nhất. Stalin là hoàn toàn đúng trong việc tăng cường sức mạnh của nước Nga Xô Viết khi thực hiện chính sách đó[149].

Một nhà báo phương Tây sau khi sang thăm Liên Xô năm 1938 đã nhận xét:

Những người cộng sản có một điểm tuyệt vời là họ có niềm tin rằng tất cả các chủng tộc đều bình đẳng với những khả năng tiềm ẩn, và rằng người ta có thể trở nên tốt như nhau nếu họ có cơ hội như nhau. Giữ vững niềm tin này, họ đang cố gắng cung cấp các cơ hội như nhau cho tất cả các chủng tộc và bộ lạc ở Nga vào thời gian sớm nhất có thể. Họ đã phân phối một lượng lớn ngân quỹ sẵn có của mình cho giáo dục, y tế công cộng và vệ sinh môi trường tại khu vực châu Á, nơi mà những điều này thường bị lãng quên.[150]

Xây dựng sùng bái cá nhân

Một buổi lễ mừng sinh nhật Stalin 70 tuổi ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Stalin đã góp phần tạo nên phong trào sùng bái lãnh tụ, trước hết là đối với Lenin sau rồi là bản thân, nhất là sau khi Liên Xô tổ chức lễ sinh nhật 50 tuổi cho ông năm 1929.[151] Rất nhiều thị trấn, làng mạc và thành phố, bao gồm thành phố lớn Stalingrad (xem danh sách các địa danh đặt theo tên Stalin (tiếng Anh)) được đổi tên theo tên ông; bên cạnh đó còn có các giải thưởng như Giải Stalin, Giải Hòa bình Stalin được lập nên lúc ông còn sống. Stalin cũng chấp nhận người ta gọi ông bằng những tên gọi khoa trương như "Người cha của Tổ quốc" (bắt đầu từ 1936),[152] "Nhạc trưởng của Khoa học", "Thiên tài Kiệt xuất của Nhân loại", "Đại kiến trúc sư của Chủ nghĩa Cộng sản", "Người trông nom Hạnh phúc Loài người". Tuy trong giới lãnh đạo ít thấy sự tôn thờ Stalin, hầu hết không bày tỏ sự bất bình với tệ sùng bái cá nhân, và tất cả đều ủng hộ cho tệ này phát triển.[153]

Tệ sùng bái cá nhân cho Stalin phát triển mạnh trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Liên Xô cần những hình ảnh để nâng cao tinh thần cho binh sĩ và nhân dân. Ban đầu hình ảnh Stalin gắn bó chặt chẽ với Lenin như một đồng chí trung thành nhất, người thừa kế xuất sắc của Lenin,[154] và hai người thường xuất hiện cùng nhau trong từ ngữ và tranh ảnh,[155] tuy nhiên về sau báo chí tuyên truyền thường mô tả sự lãnh đạo tài tình của Stalin như là nhân tố chính cho sự tươi đẹp của xã hội Soviet.[156]

Bộ máy tuyên truyền Liên Xô thường mô tả Stalin theo hình ảnh người lãnh tụ các dân tộc và mang tính thần thánh, vay mượn một số nhân tố từ Chính thống giáo.[157] Những cuộc tiếp xúc với trẻ em là một yếu tố quan trọng trong hình ảnh lãnh tụ Liên Xô. Stalin thường xuyên xuất hiện trong các buổi tăng quà cho trẻ em nhiều dân tộc khác nhau. Từ năm 1935, câu nói "Tuổi thơ Hạnh phúc nhờ ơn Đồng chí Stalin Kính yêu!" xuất hiện trên cửa vào các trại trẻ, trường học, trường mầm non và trẻ em thường hô câu này trong lễ hội.[158] Stalin cũng được mô tả là gần gũi với người dân thường; báo chí thường đăng những lá thư từ công nhân nông trường hay xí nghiệp viết để ca ngợi lãnh tụ[159] cũng như xuất hiện những bài viết, bài thơ về việc gặp mặt Stalin. Nhưng từ sau Thế Chiến II khi Stalin ít xuất hiện trước đám đông, báo chí bắt đầu tập trung tới những liên lạc xa xôi hơn (chẳng hạn kể về việc ai đó nhận được điện báo của Stalin hay nhìn thấy lãnh tụ từ xa).[160]

Bộ máy tuyên truyền và bản thân Stalin đã tìm cách chỉnh sửa lịch sử Liên Xô để gán cho Stalin tầm quan trọng lớn hơn trong buổi đầu của phong trào cách mạng. Chẳng hạn lịch sử sửa đổi này cho rằng Stalin, chứ không phải Chủ tịch Soviet Petrograd Leon Trotsky là lãnh tụ thứ nhì, sau Lenin trong Cách mạng Tháng Mười. Stalin ủng hộ việc này và tự cho mình có thẩm quyền về lịch sử Đảng.[161]

Nhiều bức tranh và tượng của Stalin ở các nơi công cộng thường minh họa Stalin rất cao, ngang với Nga hoàng Aleksandr III, trong khi thực tế các ảnh chụp cho thấy ông chỉ cao khoảng 165–168 cm. Ảnh tượng Stalin không chỉ xuất hiện tại các nơi công cộng và văn phòng chính quyền mà còn ở các tư gia. Từ đầu những năm 1930, tại nhiều gia đình xuất hiện "phòng Stalin" với chân dung lãnh tụ để bày tỏ sự tôn kính.[162] Hình ảnh Stalin cũng trở thành tâm điểm của nền nghệ thuật tuyên truyền, bao gồm thơ, ca, nhạc, họa, phim ảnh. Một ví dụ là "Khúc ca Stalin" của A. V. Avidenko dưới dây:

Cảm ơn Người, Stalin. Cảm ơn người vì tôi thấy sung sướng. Cảm ơn Người vì tôi vui. Bất kể sau tôi có già ra sao, tôi sẽ không bao giờ quên chúng ta đã đón tiếp Stalin hai ngày trước ra sao. Hàng thế kỉ sẽ trôi qua, và các thế hệ vẫn sẽ xem chúng ta là những người trần hạnh phúc nhất, may mắn nhất trong loài người, bởi vì chúng ta sống trong một thế kỉ mà nhiều thế kỉ mới có, bởi vì chúng ta được đặc ân trông thấy Stalin, lãnh tụ tôn kính của chúng ta... Mọi thứ thuộc về người, lãnh tụ của Tổ quốc vĩ đại. Và khi người phụ nữ tôi yêu cho tôi đứa con đầu lòng, tiếng đầu tiên nó sẽ bập bẹ sẽ là: Stalin...[163][164]

Ở những chỗ cá nhân, Stalin thường khẳng định rằng sự tôn sùng ông là cần thiết về mặt tuyên truyền, ít nhất là cho bộ phận dân chúng tầng lớp thấp, nhưng có thể phản tác dụng đối với giới trí thức tinh hoa.[165] Stalin cũng muốn hình ảnh của mình như là hiện thân của Đảng Cộng sản, và tiết lộ rất ít về đời sống cá nhân của mình với truyền thông[166] Stalin không phải lúc nào cũng thoải mái với sự tán tụng triền miên; một người cộng sản Phần Lan là Arvo Tuominen từng ghi nhận một lần Stalin từng chế nhạo sự tán tụng chính mình trong một bữa tiệc năm mới của Đảng năm 1935, khi nói với giọng mỉa mai: "Các đồng chí! Tôi muốn đề nghị nâng cốc cho đấng thượng phụ của chúng ta, sự sống và mặt trời, nhà giải phóng các dân tộc, kiến trúc sư của chủ nghĩa xã hội - Josef Vissarionovich Stalin, và tôi hi vọng đây sẽ là diễn văn đầu tiên và cuối cùng dành cho thiên tài đó trong tối hôm nay."[167]

Mặt khác, một số người ác cảm với Stalin thì cho rằng ông khiêm tốn giả vờ. Chủ tịch Khrushchev, trong bài phát biểu chỉ trích Stalin sau khi ông qua đời, cho rằng chính Stalin đòi ông phải được ghi nhận về "tính khiêm tốn đáng kinh ngạc của những vĩ nhân thực sự".[168]

Các học giả hiện vẫn tranh cãi với nhau về mức độ tán thưởng của Stalin đối với sự sùng bái chính ông ta. Tuy vậy, Stalin thường tỏ ra khiêm tốn, thậm chí nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng xã hội, chứ không phải thiên tài cá nhân, thậm chí dù là cả Lenin, là yếu tố quyết định thành công của cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta cũng ghi nhận Stalin thường sửa một số văn bản, xóa bớt những lời ngợi ca bản thân mình và thêm vào lời ca ngợi cho các lãnh đạo Soviet khác.[169] Hơn nữa, năm 1936 Stalin đã cấm phong trào đổi tên địa danh theo tên mình.[166]

Củng cố nền quốc phòng

Tăng cường quốc phòng là mục tiêu quan trọng mà Stalin theo đuổi. Một trong những mục tiêu chính của công nghiệp là xây dựng quân đội của Liên Xô. Vì vậy, nếu như ngày 1/1/1932, Hồng quân chỉ có 1446 xe tăng và 213 xe bọc thép, thì vào tháng 1/1934, Hồng quân Liên Xô đã được trang bị 7574 xe tăng và 326 xe bọc thép các loại.[cần dẫn nguồn]

Sự phát triển của quân đội Liên Xô
từ năm 1939 đến năm 1941
[170]
1/1/193922/6/1941% tăng trưởng
Số lượng sư đoàn131,5316,5140,7
Quân số2.485.0005.774.000132,4
Pháo và súng cối55.800117.600110,7
Xe tăng và xe thiết giáp211002570021,8
Máy bay các loại770018700142,8

Trước ngày 22 tháng 6 năm 1941, nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã có sự phát triển mạnh sau kế hoạch năm năm lần thứ ba (1936-1940). Do sự đe dọa của Đức Quốc xã đã cận kề, công nghiệp quốc phòng của Liên Xô được thúc đẩy và có bước phát triển lớn. Tới năm 1938, so với đầu những năm 30, sản xuất xe tăng Liên Xô đã tăng hơn gấp 3. Kể từ 1-1-1939 tới 22-6-1941, Hồng quân đã được trang bị hơn 7.000 xe tăng và nếu chỉ tính riêng năm 1941 thì Hồng quân đã được cung cấp gần 5.500 xe, 29.637 pháo dã chiến, 52.407 súng cối. Tổng số pháo và súng cối tính cả đại bác trên xe tăng là 92.578. Theo tướng Zhukov thì về mặt số lượng và chất lượng, các súng cối của Liên Xô đã vượt khá xa các súng cối Đức.[171]

Năm 1939, Liên Xô cho xây thêm 9 nhà máy sản xuất máy bay và 7 nhà máy sản xuất động cơ, ngoài ra còn có 7 nhà máy khác chuyển sang chế tạo sản phẩm cho máy bay. Cuối năm 1940, công nghiệp sản xuất máy bay Liên Xô đã tăng lên 70%.[171]

Lực lượng hải quân Liên Xô sát chiến tranh có gần 600 tàu chiến, 211 tàu ngầm, hơn 1.000 pháo phòng thủ bờ biển với trên 2.500 máy bay. Gần 270 tàu các loại được đóng vào sát cuối năm 1940. Nhiều căn cứ hải quân mới được xây dựng trong khi các khu vực ở vùng Baltic, Biển Đen và biển Bắc cực được Hồng quân củng cố thêm.[cần dẫn nguồn]

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng, Liên Xô cũng tiến hành tổ chức lại lực lượng vũ trang. Những đơn vị quân đội địa phương đã được giải tán, lực lượng vũ trang được chính quy hoá. Tháng 9 năm 1939, Xô viết tối cao thông qua luật nghĩa vụ quân sự mới. Tới đầu năm 1941, tổng số lục quân, hải quân đã lên tới 5 triệu binh lính. Nhiều binh chủng mới ra đời như phòng không, nhảy dù, các trường đạo tạo sĩ quan chỉ huy các cấp cũng được mở rộng. Năm 1939 Liên Xô có 63 trường lục quân, 32 trường không quân, 14 trường đại học quân sự chính quy và nhiều trường hàm thụ ngắn hạn.[63]

Trong bữa tiệc tối ngày 7/11/1940, Stalin đã chỉ trích một số lãnh đạo Bộ Quốc phòng khi họ không chịu cập nhật kiến thức mới về quân sự để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới với Đức Quốc xã:

Lịch sử đã quá chiều chuộng chúng ta. Chúng ta đã giành được tương đối nhiều thắng lợi. Và điều đó đã khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy tự mãn. Họ không muốn học hỏi gì thêm nữa mặc dù chúng ta đã tạo ra những điều kiện tuyệt vời để làm việc này. Họ nghĩ, một khi họ thuộc thành phần giai cấp công nhân và nông dân, một khi tay họ đã đầy chai thì việc gì họ cũng làm được, họ không cần phải học hỏi ai và cũng không cần phải tự tu dưỡng nữa. Trong khi thực ra thì họ đần ơi là đần.Chúng ta có rất nhiều người trung thực, dũng cảm nhưng quên rằng chỉ có lòng dũng cảm thôi thì chưa đủ. Cần có kiến thức, kỹ năng. Cần phải thường xuyên học hỏi và đào tạo lại sau hai ba năm.Chúng ta đã chiến thắng quân Nhật tại Khalkhin Gol. Nhưng máy bay của chúng ta thua kém máy bay Nhật về tốc độ và tầm bay. Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để tiến hành một cuộc chiến như những gì đang diễn ra giữa Đức và Anh.Mọi người vô tư lự quá, không muốn học hỏi và không muốn học thêm. Nghe tôi nói xong rồi lại vẫn y nguyên. Nhưng tôi nói thực với quý vị, nếu tôi hết kiên nhẫn thì tôi sẽ tẩn cho tất cả những “bị gạo” đến tung tóe hết cả ra. Sống lúc nào thì phải học hỏi lúc ấy

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Iosif_Vissarionovich_Stalin //nla.gov.au/anbd.aut-an35519349 http://www.unog.ch/80256EDD006B8954/(httpAssets)/3... http://www.artukraine.com/famineart/uscongr4.htm http://atlasandco.com/images/uploads/samples/pdf/I... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/08/140819... http://www.bbc.com/vietnamese/world-42706444 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513737/R... http://www.britannica.com/eb/article-28216 http://www.chriskaplonski.com/downloads/bullets.pd...